Sau hơn 21 tháng xung đột,ịuáplựctứbềkhiphảncôngbếtắhạch ở nách giờ đây cuộc đối đầu giữa Ukraine với Nga đang bị phủ bóng bởi chiến sự Israel - Hamas ở Trung Đông. Chiến dịch phản công từng được kỳ vọng có thể giúp Kiev lật ngược thế trận đến nay vẫn đình trệ và rơi vào bế tắc khi mùa đồng đến.
Trong tình cảnh khó khăn đó, Ukraine còn phải đối mặt với những bất đồng nội bộ ngày càng gia tăng, trở thành những cuộc đấu khẩu công khai trên truyền thông. Giới quan sát cho rằng điều này đẩy Ukraine vào cảnh tứ bề chịu áp lực, khi phải chiến đấu cùng lúc trên nhiều mặt trận, trong bối cảnh chuẩn bị đương đầu với một mùa đông dài phía trước.
"Đã có dấu hiệu mệt mỏi vì xung đột", Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị tại Kiev, cho hay. "Nhiều người Ukraine thất vọng vì không đạt được chiến thắng nhanh chóng".
Sau chiến dịch phản công chớp nhoáng giúp giành lại nhiều lãnh thổ ở miền đông và miền nam hơn một năm trước, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã dành phần lớn thời gian đầu năm 2023 để chuẩn bị cho cuộc phản công quy mô lớn hơn.
Các nhà quan sát quân sự coi đây là chiến dịch mang tính quyết định nhằm giành lại những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, thậm chí hướng đến cả bán đảo Crimea.
Nhưng từ khi cuộc phản công được phát động vào tháng 6, Ukraine chỉ đạt được những bước tiến khiêm tốn trước phòng tuyến kiên cố của Nga, khiến giao tranh phần lớn rơi vào bế tắc.
"Về cơ bản, chúng ta đang ở trong tình huống giống như thời Thế chiến I, khi hai đội quân cố thủ trong chiến hào, không bên nào đánh bại được bên nào", Frank Ledwidge, giảng viên cấp cao về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Portsmouth, Anh, nhận xét.
Chiến trường thậm chí có khả năng đóng băng hoàn toàn khi thời tiết khắc nghiệt của mùa đông kéo đến.
Lưới điện Ukraine vẫn rất dễ bị tổn thương và Nga đã thể hiện rõ rằng họ sẽ một lần nữa tung đòn tập kích bằng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tự sát vào cơ sở hạ tầng năng lượng nước này, để khiến đối phương phải sống trong "tối tăm và lạnh lẽo".
Khi đà phản công của Ukraine chững lại, Nga bắt đầu chuyển từ thế thủ sang tấn công. Lực lượng Nga từ giữa tháng 10 gia tăng sức ép với Avdeevka, thành phố thuộc tỉnh Donetsk được ví như "Bakhmut thứ hai". Moskva dường như quyết tâm chiếm thành phố bằng mọi giá, trong nỗ lực mở rộng kiểm soát tại vùng công nghiệp Donbass.
Ukraine thừa nhận tình hình Avdeevka đang rất khó khăn khi Nga tìm cách khép vòng vây, nhưng binh lính của họ vẫn "giữ vững vị trí". Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi nhanh chóng xây dựng các công sự ở những khu vực then chốt dưới áp lực từ lực lượng Nga, đặc biệt là ở miền đông, sau khi ông đi thị sát tiền tuyến.
Rajan Menon, nhà phân tích từ Defense Priorities, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng chiến dịch phản công của Ukraine rơi vào bế tắc vì nhiều lý do, trong đó có tình trạng chậm trễ trong viện trợ quân sự của các đồng minh, khiến một số vũ khí quan trọng đến tay Kiev quá muộn.
Menon lưu ý rằng việc thiếu yểm trợ hỏa lực trên không là trở ngại lớn nhất, khi không quân Ukraine bị áp đảo hoàn toàn bởi Nga về cả nhân lực và hỏa lực. "Bạn không thể tiến công trên địa hình bằng phẳng khi lính của bạn không được hỗ trợ từ trên không", ông nói.
Trong phần lớn cuộc xung đột, Ukraine thường xuyên thúc giục đồng minh phương Tây tăng tốc cung cấp viện trợ quân sự. Nếu không có nguồn hỗ trợ đó, giao tranh có lẽ đã kết thúc từ lâu.
Nhưng những khoản viện trợ này, vốn đã bị thử thách trong nhiều tháng do lo ngại về tình trạng mệt mỏi vì xung đột ngày càng gia tăng ở châu Âu và tranh cãi chính trị ở Washington, giờ đây lại phải đối mặt với thực tế mới: Chiến sự Israel - Hamas đang thu hút chú ý trên toàn cầu.
"Xung đột Dải Gaza xảy ra vào thời điểm tồi tệ với Ukraine", Menon nhận định. "Nó thu hút mọi mối quan tâm chính trị và gây ra tình trạng cạnh tranh về nguồn lực viện trợ".
Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho cả Israel và Ukraine và việc bùng nổ một cuộc xung đột mới đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu đạn pháo và tên lửa phòng không, vốn từng dành cho Kiev và đang thiếu hụt, có bị chuyển hướng sang Israel hay không.
Nguồn viện trợ cho cả hai nước hiện tại đều không chắc chắn do quốc hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và Liên minh châu Âu (EU) cũng chưa thể mang đến cho Ukraine mọi thứ như họ đã hứa.
Trong nỗ lực nhằm truyền thông điệp rằng Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào tháng trước, nhấn mạnh cuộc chiến của Ukraine là "một cuộc chạy đường dài, không phải cuộc đua nước rút" và công bố khoản viện trợ quân sự mới 100 triệu USD.
Nhưng các quan chức Ukraine tỏ ra thực tế hơn với những khó khăn mà mình đang đối mặt.
"Về mặt chiến thuật, việc mối quan tâm chuyển từ Ukraine sang Israel khiến tình hình của chúng tôi trở nên khó khăn hơn, vì chúng tôi không còn là điểm nóng nhất trên hành tinh nữa", Yehor Chernev, phó chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng và Tình báo Quốc gia Ukraine, cho hay. "Mọi người nói nhiều hơn về Israel và đó là nơi mà Mỹ sẽ ưu tiên viện trợ".
Tháng trước, Tổng thống Zelensky thừa nhận thế giới đang thay đổi mối quan tâm, thêm rằng Ukraine không có chỗ cho sai lầm khi đã mất đi vị trí nổi bật trong chương trình nghị sự quốc tế.
"Chúng ta không được phép để mọi người quên đi cuộc xung đột ở đây", ông nói hôm 30/11. "Quan tâm đồng nghĩa với giúp đỡ".
Khi những thách thức từ bên ngoài ngày càng chồng chất, Ukraine lại đối mặt với mối đe dọa mới từ bên trong. Trong những tuần qua, Tổng thống Zelensky dường như đang mâu thuẫn với đại tướng hàng đầu của mình, Tổng tham mưu trưởng Valeriy Zaluzhny.
Trong một bài bình luận trên báo Economist tháng trước, tướng Zaluzhny đã bày tỏ quan điểm được chia sẻ rộng rãi ở cả Ukraine và phương Tây rằng chiến sự đang ở thế bế tắc và Kiev nhiều khả năng sẽ "không có bất kỳ bước đột phá nào".
Tổng thống Zelensky đã ngay lập tức bác bỏ bình luận trên. Các quan chức trong văn phòng của ông cũng công khai bày tỏ bất bình với tướng Zaluzhny, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu thống nhất trong giới lãnh đạo Ukraine.
Ông Zelensky đã phủ nhận xung đột với tướng Zaluzhny vào tháng trước, nói rằng giữa xung đột, Ukraine phải ưu tiên "lợi ích chung" và không có chỗ cho "chính trị cá nhân".
Nhưng các đồng minh của Tổng thống Ukraine đã công khai chỉ trích Zaluzhny, trong đó một nghị sĩ đã cáo buộc ông khiến chiến dịch phản công gặp bất lợi vì không có kế hoạch tác chiến chắc chắn, đồng thời yêu cầu ông từ chức.
Tổng thống Zelensky cũng đang phải đối mặt với chỉ trích vì ông phản đối việc tổ chức cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới trong bối cảnh chiến sự. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko tuần trước thậm chí còn nói rằng đất nước đang phải trả giá vì những sai lầm của Tổng thống Zelensky, người mà ông cho là "ngày càng độc đoán và chuyên quyền".
Vì vậy, việc cách chức Zaluzhny vào thời điểm này có thể sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho lãnh đạo Ukraine.
"Zaluzhny là người nổi tiếng thứ hai ở Ukraine sau Zelensky và đội ngũ thân cận với Tổng thống coi ông ấy là một đối thủ tiềm tàng", nhà phân tích Fesenko nhận xét. "Giờ đây, có vẻ như họ muốn đổ lỗi cho Zaluzhny về những rắc rối ở mặt trận. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của Zaluzhny cả trong quân đội và xã hội, việc ông bị sa thải hoặc từ chức tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường, trong đó có làm suy yếu vị thế của chính Tổng thống Zelensky".
Theo Fesenko, đánh giá mang tính thực tế của tướng Zaluzhny về tình hình chiến trường đã gây ra nhiều cảm xúc ở Ukraine, nhưng về mặt nào đó, nó giống như "gáo nước lạnh" dội vào rất nhiều người.
"Nó đã giúp không ít người Ukraine thoát khỏi những kỳ vọng bị thổi phồng và không thỏa đáng rằng cuộc xung đột sắp kết thúc", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (TheoNBC News)